62 bệnh hiếm, hiểm nghèo không cần giấy chuyển tuyến, được hưởng BHYT 100%
06/01/2025 04:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01/2025/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT. Trong đó, có danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT. Cụ thể, người bệnh được hưởng quyền lợi sau khi đã được một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chẩn đoán xác định mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh này.
Danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được khám, chữa bệnh (KCB) tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu bao gồm các bệnh:
Viêm màng não do lao (G01*); U lao màng não (G07*); Lao khác của hệ thần kinh; Lao hệ thần kinh, không xác định (G99.8*); Nhiễm mycobacteria ở phổi; Nhiễm histoplasma capsulatum ở phổi cấp tính; Nhiễm nấm blastomyces ở phổi cấp tính; Nhiễm nấm paracoccidioides ở phổi; Nhiễm sporotrichum ở phổi (J99.8*); Nhiễm aspergillus ở phổi xâm lấn; Nhiễm cryptococcus ở phổi; Nhiễm mucor ở phổi; Nhiễm mucor lan toả;
Các bệnh lý ung thư: U ác tụy; U ác tuyến ức; U ác của tim, trung thất và màng phổi; U ác của xương và sụn khớp ở vị trí khác và không xác định; U ác của mãng não; U ác của não; U ác của tủy sống, dây thần kinh sọ và các phần khác của hệ thần kinh trung ương; U ác thứ phát của não và màng não; Nhóm u ác tính; U ác của hệ lympho, hệ tạo máu và các mô liên quan;
Các bệnh chuyển hóa hiếm như: Hội chứng loạn sản tủy xương; Các thể suy tủy xương khác; Bệnh tăng đông máu khác (Hội chứng kháng phospho lipid); Hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng; Bệnh đái tháo đường phụ thuộc insuline (Có đa biến chứng); Bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline (Có đa biến chứng); Rối loạn chuyển hóa acid amin thơm; Rối loạn chuyển hóa acid amin chuỗi nhánh và rối loạn chuyển hóa acid béo; Các rối loạn khác của chuyển hóa acid amin;
Nhóm rối loạn dự trữ thể tiêu bào (Bệnh Pompe, bệnh MPS, Bệnh Gaucher, Bệnh Fabry); Rối loạn chuyển hóa đồng (bao gồm cả bệnh Wilson); Thoái hóa dạng bột; Rối loạn trầm cảm tái diễn; Rối loạn ám ảnh nghi thức; Viêm não, viêm tủy và viêm não-tủy; Xơ cứng rải rác; Viêm tủy thị thần kinh [Devic]; Nhược cơ; Bệnh lý võng mạc của trẻ đẻ non; Suy tim; Hoại tử thượng bì nhiễm độc (Lyell/Steven Johnson);
Hội chứng sau mổ tim; Rối loạn chức năng khác sau phẫu thuật tim; Bệnh phổi mô kẽ khác; Áp xe phổi và trung thất; Mủ lồng ngực (nhiễm trùng nặng ở phổi); Bệnh Crohn (viêm ruột từng vùng); Pemphigus; Viêm mạch mạng lưới; Bệnh da tăng bạch cầu trung tính có sốt [Hội chứng Sweet]; Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có tổn thương phủ tạng; Đái tháo đường sơ sinh; Dị tật bẩm sinh khác của não; Các dị tật bẩm sinh khác của tủy sống;
Nhóm các dị tật bẩm sinh của hệ thống tuần hoàn; Biến dạng bẩm sinh của khớp háng; Kháng (các) thuốc chống lao; Di chứng của hoạt động chiến tranh (Di chứng do vết thương chiến tranh); Tình trạng của mảnh ghép cơ quan và tổ chức.
Theo Thông tư hướng dẫn, người bệnh được hưởng quyền lợi sau khi đã được một cơ sở KCB ban đầu hoặc cơ bản chẩn đoán xác định mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh trên. Người bệnh không cần giấy chuyển viện khi tự đến cấp chuyên sâu KCB vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT theo quy định.
Trong trường hợp người bệnh tự đi KCB tại cấp chuyên sâu và được chẩn đoán mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh trên thì người bệnh cũng được hưởng quyền lợi theo quy định ngay trong lần KCB đầu tiên.
Trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh thuộc danh mục 62 bệnh trên ở cấp chuyên sâu nhưng đề nghị KCB thêm các bệnh lý khác thì chỉ được hưởng quyền lợi đối với bệnh lý nằm trong danh mục.
Trường hợp người bệnh đã được điều trị ổn định hoặc theo yêu cầu chuyên môn, tình trạng bệnh, cơ sở KCB có thể chuyển người bệnh về cơ sở KCB cấp cơ bản, cấp ban đầu để tiếp tục theo dõi, điều trị./.
Mai Minh
Chi tiết >>