Tấm thẻ BHYT đồng hành cùng người bệnh
25/12/2024 02:51 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một tai nạn bất ngờ, một căn bệnh ập tới cũng chính là những rủi ro trong cuộc sống, đó là điều không mong muốn nhưng đôi khi người ta phải đối mặt. Trong hoàn cảnh bệnh tật thương tích đó, nhiều người đã tìm thấy chỗ dựa qua tấm thẻ BHYT nhỏ bé, đồng hành, cho họ niềm tin và nghị lực.
Thẻ BHYT đồng hành cùng người bệnh:
Câu chuyện của bà Tạ Thị T. là nhân viên Quốc phòng về hưu, ngụ tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là như vậy. BHYT- tấm thẻ “vàng” đã đồng hành cùng bà T. từ gần 10 năm nay và vẫn đang tiếp tục đi cùng bà. Bà T. chia sẻ: “Tôi về hưu được ít năm thì phát hiện bị ung thư đại tràng, sau phẫu thuật cắt bỏ khối u thì còn phải tiếp tục với 8 lần điều trị liệu pháp hóa trị và phải cắt bán phần ruột già. Bệnh ung thư đại tràng được điều trị và ổn định, sức khỏe dần hồi phục thì một thời gian sau, bản thân tôi lại mắc 2 căn bệnh mạn tính nữa là tiểu đường và cao huyết áp.”
Đến nay, bà T. đã 72 tuổi nhưng nhìn vẻ ngoài với nước da sáng và khuôn mặt phúc hậu không ai nghĩ bà ở tuổi đó và nhất là lại mang nhiều bệnh nặng phải uống và trích thuốc hàng ngày như vậy. Điều đáng nói là niềm tin, sự lạc quan của bà vì bên cạnh những nỗi đau đớn về bệnh tật bà đã có tấm thẻ BHYT là “phao cứu sinh”, đã gánh đỡ phần lớn chi phí điều trị, gia đình chỉ phải đóng thêm một khoản tiền cùng chi trả là 20%. Theo thống kê, quá trình điều trị của bà T đã được quỹ BHYT thanh toán số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng trong những năm qua.
Bà T. cho rằng, bản thân và gia đình cảm thấy đây là sự may mắn rất lớn vì phải sống chung với những căn bệnh hiểm nghèo, mạn tính gần 10 năm nay nhưng đỡ áp lực về chi phí nên tôi yên tâm chữa bệnh, lạc quan, sống vui vẻ tuổi già cùng con cháu. “Tấm thẻ BHYT chính là điểm tựa đối với người dân chúng tôi, nhất là những người bị bệnh mạn tính phải điều trị dài ngày”, bà T. chia sẻ.
Khác với tâm trạng của bà T, chị Cao Thị Th. rưng rưng: “Em đang làm công nhân ở một công ty tại Khu Công nghiệp Biên Hòa 2 nhưng phải nghỉ làm để chăm sóc chồng bị gãy xương cột sống do tại nạn lao động. Không may mắn hơn nữa là chồng em làm tự do không được đóng BHXH, BHYT và cũng không tự tham gia nên sau lần điều trị đầu tiên chi phí lên đến 70 triệu đồng. Bệnh tình đau đớn, kéo dài mà tiền viện phí mỗi ngày một nhiều hơn. Rủi ro tiếp đến là vết mổ bị nhiễm trùng nên tiếp tục phải điều trị ở tuyến trên là bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh. Chi phí cho lần điều trị thứ hai này lớn hơn nhiều với số tiền lên tới hơn 100 triệu đồng. Do vậy, gia đình đã không xoay xở kịp, phải vay mượn nhưng vẫn không đủ để trả tiền viện phí; giá như có thẻ BHYT như những bệnh nhân khác thì tôi không ở vào tình cảnh túng quẫn như vậy”.
Trường hợp của chồng chị Th. là một trong số những trường hợp bệnh nhân không có thẻ BHYT vừa phải đối mặt với nỗi đau bệnh tật, vừa phải gồng mình gánh nỗi lo về chi phí điều trị.
Mỗi một bệnh nhân là một cảnh đời khác nhau nhưng đã vào viện thì dù ít hay nhiều đều chung nỗi đau bệnh tật, nỗi lo về chi phí khám chữa bệnh. Có BHYT sẽ yên tâm được phần nhiều, dù bệnh có nặng đến đâu cũng có thể được điều trị không phải quá lo lắng về chi phí.
Hơn ai hết, gia đình chị Th. cảm nhận rõ giá trị của tấm thẻ BHYT với những ý nghĩa thiết thực mà chính sách BHYT mang lại, giá như tham gia BHYT thì gia đình chị đã không phải chi trả các khoản chi phí lớn để điều trị bệnh cho người thân. Bởi thế, tấm thẻ BHYT không chỉ mang lại giá trị vật chất mà còn là điểm tựa “tinh thần” giúp nhiều gia đình có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật, hòa nhập cuộc sống. Vì vậy, mỗi người dân nên ý thức rằng, tự bảo vệ mình bằng cách tham gia BHYT để bớt đi gánh nặng chi phí khi chẳng may ốm đau hay gặp tai nạn rủi ro./.
Mai Minh
Chi tiết >>